Dinh dưỡng thừa, cơ thể tĩnh là hai yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường. Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, vận động thể chất và chế độ ăn uống là bắt buộc trong điều trị đái tháo đường.
Nếu tính trung bình, người lao động chân tay có khoảng 7h-8h làm việc là vận động thì với người làm công việc văn phòng là 2h-8h, còn lại 6h-8h làm việc là ngồi nhiều ít vận động.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, vận động giúp quản lý cân nặng, kiểm soát đường huyết, phòng ngừa đái tháo đường, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.
Đi bộ
Hình thức này dễ thực hiện. Nếu bạn làm công việc văn phòng, hãy dùng chức năng hẹn giờ trên điện thoại để nhắc bạn đứng dậy và vận động mỗi giờ.
Đứng dậy và di chuyển 15 phút như chạy việc vặt, đi vệ sinh, pha trà… đứng làm việc hay di chuyển khi nghe/gọi điện thoại, đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy…
Đạp xe
Đạp xe được xem là hình thức vận động thể chất tốt nhất và dễ dàng thực hiện để kiểm soát bệnh tiểu đường. Ngoài ra, hiệu quả của đạp xe có thể tăng thêm khi kết hợp với bài tập tăng sức bền như chống đẩy, gập bụng, nâng cao chân… Ðối với người bị tiểu đường, tần suất luyện tập là ít nhất 2-3 lần/tuần.
Tập thái cực quyền
Là hình thức vận động 1 chỗ nhưng là vận động toàn thân, các động tác áp đùi, giãn hông, gập eo duy trì tính linh hoạt. Mỗi động tác chậm, nhẹ, nhịp nhàng, thở sâu làm cho khí huyết lưu thông, cân bằng và bảo vệ các dây thần kinh khỏi biến chứng nguy hiểm.
Sử dụng máy đi bộ
Dễ sử dụng, mang lại sự thuận tiện cho người tập. Có thể điều chỉnh tốc độ, chuyển động trên một bề mặt bằng phẳng, tránh được vấp ngã. Tuy nhiên tập luyện trên máy đi bộ đòi hỏi cần giữ thăng bằng tốt, máy phải đủ độ dài, độ rộng, có tay vịn dọc theo hai bên.